Làm mẻ và nuôi mẻ Mẻ

Gây mẻ không cần nhiều công đoạn nhưng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm[4]. Mẻ thường được nuôi trong các hũ mẻ, là các lọ thủy tinh hay hũ sành, sứ, vừa đảm bảo sạch sẽ vừa thẩm mỹ[1]. Tuy nhiên, lọ thủy tinh được ưa chuộng hơn do dễ dàng kiểm tra mẻ bằng mắt thường. Nếu chọn hũ sành, sứ thì phải múc lên mỗi lần kiểm tra, dễ khiến mẻ nhiễm khuẩn, bị hư, mốc và không bảo quản được lâu.

Có rất nhiều cách để gây một hũ mẻ và nuôi hũ mẻ làm gia vị lâu dài, nếu không bỏ đói con mẻ và biết cách chăm sóc, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Cách đơn giản nhất là xin được một ít cơm mẻ (mẻ cái) đã ngấu cho vào đáy keo, đáy thố[5], đáy lọ rồi dầm cơm tẻ để nguội xới rời phủ lên phía trên, nhiều hay ít tùy theo lượng mẻ cái đã có. Sau đó đậy nắp lại (nhưng không được đậy chặt kín tuyệt đối) trong khoảng trên dưới một tuần tùy điều kiện thời tiết, cơm sẽ nát từ từ và chua cho tới khi phân hủy hoàn toàn. Khi thấy cơm có màu trắng đục như sữa và mùi chua dịu nhẹ, tức mẻ đã ngấu, người nội trợ có thể đem ra sử dụng. Lúc này, nếu tinh mắt ta sẽ thấy trên thành hũ đựng có nhiều con mẻ nhúc nhích, khi múc ra cho lên ngón tay sẽ cảm nhận được sự nhồn nhột trên mặt da tiếp xúc. Người nội trợ có thể ngửi và nhìn để nhận biết chất lượng và độ ngấu của mẻ. Tuy nhiên, nếu chưa có kinh nghiệm người ta thường múc một ít ra chén, rây nhẹ và nếm thử.

Trong trường hợp không có con mẻ để gây hũ mẻ thì người nội trợ buộc phải làm mẻ từ ban đầu. Có thể làm theo cách nấu cơm, cho nước nhiều hơn một chút, lúc nước cơm sôi lên thì chắt lấy bát nước cơm để riêng cho nguội. Lại đợi cơm chín tới, múc một bát vừa đủ cho cái hũ sành và để nguội. Sau đó cho nước cơm vào hũ sành sao cho lượng nước sâm sấp mặt cơm, đậy kín nắp và bọc kín hũ để tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển[1]. Đặt hũ vào nơi kín gió, đủ ấm cho lên men nhanh hơn và chỉ sau một hai tuần nguyên liệu trong hũ sẽ chuyển hóa thành cơm mẻ.

Cơm mẻ nếu không bị hỏng do nhiễm khuẩn, giòi bọ, nấm mốc, bằng cảm quan người dùng sẽ thấy hạt cơm nát bấy, trắng đục như sữa, nhiều nước, có mùi vị thơm chua đặc trưng hơi phảng phất mùi bỗng rượu, nhưng không gắt như dấm hay chanh[1].

Thường khi sử dụng mẻ, người dùng sẽ lấy cơm mẻ ở đáy của hũ và/hoặc bên thành hũ, nơi cơm mẻ chín ngấu nhất. Khi lấy ra một phần tương đối nhiều trong hũ mẻ, hoặc khi thấy mẻ đã rất ngấu và các con mẻ bò hết lên thành dụng cụ chứa đựng, là khi cần tiếp tục bổ sung một phần cơm nguội để tiếp tục nuôi hũ mẻ.

Mẻ có thể được làm với bún. Cách làm mẻ từ bún có thể nói là nhanh nhất và cho thành phẩm ngon, khó hư vì tự bản thân bún là bột gạo để trở chua nhẹ rồi lại được làm chín trong nước sôi. Tuy nhiên do nhiều lý do (có thể cả vấn đề cảm giác, nếu nhìn sợi bún chưa phân hủy hết trong cơm mẻ), việc làm mẻ bằng bún không được thông dụng như bằng cơm nguội.

Một số địa phương còn bổ sung thêm riềng (hay nghệ), xương lợn, chân gà giúp gia tăng hương vị cho hũ mẻ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mẻ http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/me-thu... http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gia-dinh/nau-... http://doisong.vnexpress.net/tin-tuc/gia-dinh/nau-... http://www.baocaobang.vn/Ky-Phong-su/Thu-vui-cua-n... http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/3316-dam-da-... http://www.nhandan.com.vn/xahoi/am-thuc/item/29653... http://phunuonline.com.vn/dinh-duong/so-tay-noi-tr... http://saigonamthuc.thanhnien.com.vn/pages/2013060... http://saigonamthuc.thanhnien.com.vn/pages/2014101... http://danviet.vn/net-viet/ngon-mieng-voi-nhung-mo...